Tiến
sĩ Nguyễn Đức Thành thuộc khoa Điện- Điện tử, ĐH Bách Khoa TP HCM là
người chế tạo robot nói trên. Robot hoạt động tự động và gồm ba phần,
trong đó phần đầu điều khiển hai camera và một động cơ điều khiển góc
quay cho trục camera. Phần thân gồm ba tầng đặt máy và mạch điều khiển,
còn phần chân có ba động cơ và hộp số giảm xóc.
Robot
có khả năng nhận biết người xung quanh bằng hệ thống camera ghi hình
ảnh khuôn mặt. Từ những ảnh đó robot sẽ xử lý, phân tích bằng hệ thống
máy tính bên trong và đưa ra kết luận người trong ảnh đang vui hay buồn,
ngạc nhiên hay giận dữ. Tiếp đó, robot sẽ phản ứng theo cảm xúc. Khi
con người buồn, robot sẽ tiến đến an ủi. Ngược lại, nó sẽ lùi xa khi
người vui.
Theo
tiến sĩ Thành, sản phẩm của ông ra đời dựa trên nghiên cứu thuật toán
nhận biết và phân loại cảm xúc con người trên mặt. Thuật toán này có độ
chính xác tới hơn 90%.
“Thời
gian tới chúng tôi sẽ hoàn thiện sản phẩm theo hướng tăng số lượng cảm
xúc, tăng độ chính xác, thay đổi kết cấu cơ khí robot đứng vững hơn, làm
cho hành vi robot hấp dẫn hơn”, tiến sĩ Thành cho hay.
Tiến
sĩ Lê Hoài Quốc, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, đánh giá
đây là một nghiên cứu mới, có tính áp dụng thực tiễn cao đối với các
ngành công nghiệp, an ninh, hàng không. Nếu được đầu tư để nghiên cứu
phát triển thêm, trong tương lai robot của tiến sĩ Thành có thể được ứng
dụng trong nhiều lĩnh vực.